Pomodoro là gì?
Thời gian gần đây, công việc có một chút thay đổi nên mỗi ngày mình tham gia trung bình 4 cuộc họp. Và thế là quanh đi quẩn lại chưa làm được gì đã hết ngày. Vậy nên mình tìm đến một phương pháp quản lý thời gian có tên Pomodoro để giúp mình tập trung hơn trong công việc. Khi áp dụng rồi mình mới giật mình nhận ra là thời gian code thực tế một ngày nó không nhiều như mình nghĩ.
Pomodoro là một từ tiếng Ý, có nghĩa là cà chua, bởi vì khi phương pháp này được Francesco Cirillo phát triển vào cuối những năm 1980, ông đã dùng một chiếc đồng hồ bấm giờ có hình quả cà chua. Nói một cách ngắn gọn, phương pháp này gồm một số bước như sau:
- Đề ra công việc phải làm.
- Đặt đồng hồ hẹn giờ trong 25 phút (khoảng thời gian này được gọi là pomodoro).
- Giải quyết công việc.
- Khi đồng hồ reo cũng là lúc kết thúc công việc và nghỉ giải lao 5 phút.
- Lặp lại các bước từ 1 đến 4. Sau 4 pomodoro thì nghỉ giải lao 15 phút.
Để áp dụng Pomodoro, có rất nhiều app, extension hoặc cả web sẵn cho các bạn dùng. Các bạn có thể tìm công cụ phù hợp với mình nhất. Cá nhân mình thì đang sử dụng app Focus To-Do trên App Store, nó cũng khá đủ cho nhu cầu cơ bản của mình.
Đến nay mình đã áp dụng nó được 6 tháng, nên muốn chia sẻ với các bạn những lợi ích mà nó mang lại, cũng như những điểm mà mình nghĩ nó chưa phù hợp.
Cải thiện sự tập trung
Trước đây, có những hôm mình cực kỳ tập trung 4-5 giờ liền, điều đó giúp mình giải quyết được rất nhiều công việc trong hôm đó. Nhưng sau những ngày làm với cường độ cao như vậy thì mình thường sẽ cảm thấy khá mệt.
Nhưng cũng có những hôm mình dành cả tiếng đồng hồ đọc báo, lướt Facebook và đến cuối ngày thì chợt nhận ra cả ngày chẳng làm được việc gì.
Não bộ con người chỉ thực sự hiệu quả khi tập trung trong một khoảng thời gian ngắn và có những khoảng nghỉ hợp lý. Khi áp dụng pomodoro, chính vì biết được chỉ cần tập trung trong vòng 25 phút, một khoảng thời gian không quá dài, vậy nên mình có thể toàn tâm toàn ý tập trung vào công việc mà không lo cuối ngày bị mệt. Và mình cũng biết sau 25 phút này, mình sẽ được nghỉ ngơi, nên cũng không có chuyện đang làm việc lại quay ra lướt Facebook nữa.
Trong 1 pomodoro, bạn nên chỉ tập trung vào 1 task duy nhất. Ví dụ đang làm task A thì chỉ làm task A, nếu xong sớm trước khi pomodoro kết thúc thì dành thời gian kiểm tra lại, chứ đừng nên nhảy sang task B.
Cải thiện sức khoẻ
Khi đến thời gian nghỉ 5 phút, thay vì tiếp tục dán mắt vào máy tính, mình thường dành thời gian đi WC, đi lấy thêm nước uống, chuyển playlist nhạc của mình hoặc chỉ đơn giản là đứng lên đi đi lại lại. Điều đó giúp cơ thể mình được thư giãn, tránh sinh bệnh tật do ngồi làm việc quá lâu.
Nhưng mình thấy khoảng thời gian 5 phút này hơi ngắn quá, đôi khi chưa kịp làm gì đã hết 5 phút. Vậy nên có thể trong thời gian tới mình sẽ cân nhắc điều chỉnh lên thành 7 hoặc 8 phút xem sao.
Bơ cả thế giới
Theo quy tắc thì khi đang trong khoảng thời gian 25 phút tập trung, bạn phải tắt hết thông báo của các app để tránh bị phân tâm. Nhưng mình thì chưa đạt đến cảnh giới có thể bơ cả thế giới như vậy, vì mình vẫn phải nhận thông báo các app chat để còn kịp thời phản hồi khách hàng và đồng nghiệp.
Tuy nhiên thì điều này thỉnh thoảng sẽ làm gián đoạn Pomodoro của mình, vì mình còn phải tốn thêm thời gian check code hay document để có thể trả lời mọi người.
Kết luận
Phương pháp này có thể phù hợp với mình nhưng chưa chắc phù hợp với bạn. Tuân thủ Pomodoro giúp mình tăng hiệu suất làm việc, nhưng đôi khi khiến mình cảm thấy đang làm việc như một cái máy. Hãy thử áp dụng và xem kết quả nó mang lại cho bạn nhé.